Sáng ngày 20 tháng Ba năm 1811, một trăm phát đại bác từ điện Invalides (Anh-va-lít) nước Pháp nổ vang, báo cho dân thành Balê biết một tin quan trọng. Một hoàng tử, con vua Nã-phá-luân, đã chào đời. Sau khi hoàng đế băng hà, hoàng tử sẽ lên ngôi hoàng đế nước Pháp. Trong khi hoàng đế còn sống, hoàng tử được gọi là Quốc vương La-mã. Nhưng, thương hại thay, không đầy năm năm sau, Nã-phá-luân mất chức hoàng đế. Năm năm sau nữa, vua từ trần giữa một đảo xa xôi. Vua cha chết được 11 năm, ông “Quốc vương La-Mã” cũng chết theo, chưa kịp thừa hưởng nước Pháp. Các gia tài ở đời là thế. Hoặc người chia gia tài, sau không thể giữ được lời hứa, hoặc người thừa hưởng gia tài không kịp nhận gia tài hoặc không giữ nổi gia tài đã chiếm được. Nhưng Bạn ạ, chúng ta, người công giáo, chúng ta có một gia tài, mà gia tài ấy, nhất định chúng ta sẽ được hưởng, miễn chúng ta giữ Đạo cho nên. Gia tài ấy, Bạn biết rồi, chính là Thiên đàng. Thiên đàng là gì? Trong những bài trên, tôi đã nhắc đến Thiên đàng nhiều lần. Trước khi từ biệt Bạn, tôi thấy cần phải nói qua về Thiên đàng, để cho cuộc nói truyện cần đầy đủ hơn. Trước hết Thiên đàng là chốn nghỉ đời đời. Đời này, chúng ta lúc nào cũng lo sợ… sợ đau đớn cho thân thể; trên Thiên đàng, không còn đau khổ nữa. Ở đời ta phải làm việc: hằng ngày lúc thức dậy, phải ghé vai vào ách… nếu những người ác tâm, không làm rầy rà cho chúng ta, đã là khá lắm rồi. Trên Thiên đàng, không còn phải làm việc nữa. Ở đời chúng ta rên rỉ vì bệnh tật: một cơ quan trong mình ta chưa kịp khỏi thì một cơ quan khác đã bắt đầu đau. Nếu toàn thân ta, không cùng đau một lúc, thì đã hạnh phúc cho ta lắm rồi. Thân thể ta tế nhị hơn, tinh vi hơn thân thể cầm thú, chẳng qua cũng là để ta chịu đau khổ hơn. Trên thiên đàng không còn bệnh tật nữa. Ở đời, ta phải chết: đau đớn thay những giây phút hấp hối, ghê tởm thay những sự rùng rợn trong mồ. Trên thiên đàng không còn chết nữa. Chúng ta hãy trông cậy! Có lẽ Bạn đã thấy con sâu róm… trông thấy mà rùng mình. Nhưng đến một lúc kia, con sâu ấy cuộn mình trong một miếng lá, không khác gì bị chôn trong mồ. Những sức tiềm tàng của Tạo hóa bắt đầu làm việc, những chân nó dùng để bò, sẽ rụng xuống, các phần khác mọc ra: kìa những cánh nhẹ nhàng sặc sỡ, đẹp như ánh sáng mặt trời. Nó bay lên không gian, ánh sáng mặt trời lại như tô thêm vẻ đẹp… Trước đây một tháng, ai trông thấy nó cũng sợ, bây giờ từng đoàn trẻ chạy theo bắt nó, vì sắc đẹp của nó đã làm chúng mê mẩn. Trước đây, nó ăn những lá cây thô, bây giờ nó chúi đầu hút những nhụy trong những cánh hoa vàng. Xác ta này, cũng thế. Một ngày kia, nó cũng sẽ biến hình. Nó cũng sẽ tung những cánh đầy ánh sáng, nó sẽ gieo vào không gian những tiếng ca khải hoàn, nó sẽ tắm gội trong không gian nức mùi thiên hương. Và ở đấy, nó không còn phải làm việc nữa, nó không còn bệnh tật nữa, nó không còn chết nữa: trên Thiên đàng chỉ có nghỉ ngơi, trong một cuộc đời dài vô tận. Nói tắt, trên Thiên đàng, thân thể ta không còn đau khổ nữa. Ở đời, tim ta đau khổ: trên Thiên đàng, tim ta không còn đau khổ nữa. Ở đời, tim ta đã gặp bao nhiêu thất vọng chua chát. Nó đã mơ màng lạc thú, nhưng nó đã gặp biết bao sự ưu phiền. Thánh Jeanne de Chantal (Gio-an-na Săng-tan) nói: “Trong tim tôi, có một cái gì lúc nào cũng run rẩy!”. Chúng ta cũng nói được: Trong tim tôi có một cái gì lúc nào cũng làm cho phải khóc. Vậy thì cuộc đời ta phải đem so sánh với cái gì? Với một ngày tưng bừng thơm nức của mùa xuân chăng? Không, phải so sánh với một ngày đông sầu ảm đạm. Thương ôi, những cái chúng ta gặp trên đời, không phải là những cái chúng ta mơ ước. Hãy nhớ lại, hồi chúng ta mười sáu, hai mươi tuổi, chúng ta hăng hái tiến thủ, lòng đầy hy vọng, tràn trề vui vẻ, hai môi nhấp nháy những bài ca hùng mạnh. Đó là những mơ mộng của tuổi trẻ, của tuổi hai mươi. Những mơ mộng ấy, ngày nay đã biến đâu rồi? Lớn lên chúng ta không còn mơ mộng khoái lạc, chúng ta mơ ước thành công. Nhưng thành công có thấy đâu, chỉ thấy toàn thất bại. Còn gì đau đớn ê chề hơn nữa! Nhưng, này, ta hãy ngửa mặt lên. Vì nếu ta thật tình muốn, thì ta sẽ vào Thiên đàng, và trên Thiên đàng không còn bị thất bại. Tim ta đã gặp thất bại, nó lại còn gặp những sự bội phản. Ai trong ta cũng cần có một quả tim thân ái. Ta đã tìm, ta tưởng rằng: đã thấy. Nhưng một hôm, trong một lúc không ngờ, người Bạn ấy đã biến tan trong sương sớm, để ta lại trơ trọi cô độc. Vì một tí lợi, vì một lời nói vô tình, vì sự hiểu lầm không đáng kể, họ đã quay lưng lại với ta và ta đã gạt lệ trong âm thầm… để tiếp tục bước đi trong im lặng buồn tủi. Nhưng ta hãy can đảm lên, vì rồi đây lên Thiên đàng, ta không còn gặp bội phản nữa. Tim ta đã gặp bao cảnh biệt ly tang tóc. Tang tóc biệt ly trong gia đình, biệt ly tang tóc ở những người thân quyến, bạn hữu… Họ ra đi, không hẹn ngày về, chúng ta ở lại hàn gắn những vết thương sâu hoắm. Chúng ta hẳn chưa quên những lời than thở của người chinh phụ; mấy lời vắn tắt nhưng cũng tả hết nỗi đau đớn của cảnh biệt ly và mong chờ: Thuở lâm hành, oanh chưa bén liễu Bèo tan, trăng khuyết… kẻ ở, người đi, tuy cái cảnh ấy chẳng có gì lạ, nhưng nó cũng đã gây bao mối hận lòng, nó đã khoét thành bao nhiêu hồ nước mắt. Nhưng ta hãy ngửa mặt lên: một ngày kia, ta sẽ nghe lời Chúa phán như đã phán với người trộm lành: “Ngày hôm nay, con sẽ ở nơi cực lạc cùng Ta” [69], và khi ấy, hết tang tóc, hết biệt ly [70]. Ở đời ta sợ những sự đau khổ cho linh hồn. Trên Thiên đàng linh hồn không còn đau khổ nữa. Sống ở đời, nhiều khi ta phạm tội, và đã mang tội vào thân, thì lao đao tân khổ chừng nào! Chúng ta hãy nhớ lại truyện Chàng thanh niên hoang đàng… chàng ngồi sầu khổ dưới bóng cây… Cạnh chàng là một đàn lợn đẵm trong đám bùn hôi. Mặc không đủ che thân, hai tay ôm lấy đầu, chàng lặng lẽ nghĩ đến cuộc đời đã qua và hiện tại. Bên ngoài là một sự yên lặng nặng nề. Nhưng trong người chàng là cả một cơn giông tố dữ dội… Chàng ước mong biến thành bầy lợn vô linh tính… Nhưng không được, trước sau, chàng vẫn là người… để chịu đau khổ, để bị những cắn rứt của lương tâm. Phàm kẻ có tội, đều bị khổ, giống như chàng hoang đàng kia. Sống ở đời, nhiều khi sợ mình đang sống trong tội. Áy náy thay ! Chính Thánh Bênađô cũng đã từng than lên: “Loài người không biết chắc được Chúa yêu hay bị Chúa ghét”. Ta chưa phải thánh Bê-na-đô, thì ta còn phải kêu lên đến thế nào nữa. Có lẽ chúng ta đã ngã, thì chúng ta đã đứng dậy chưa? Chúng ta đã bị cám dỗ, thì chúng ta có chống lại cho mạnh mẽ không? Nhưng trên Thiên đàng, thì không còn sợ phạm tội nữa. Nói tóm lại: trên Thiên đàng không còn phải làm việc, không còn bệnh tật, không còn phải chết, không còn bị thất bại, không còn bị bội phản, không còn phải ly biệt, không còn tội lỗi, không còn áy náy, không còn nguy hiểm… sống trên Thiên đang như thế, thì sung sướng chừng nào! Thánh Tê-pha-nô nằm dưới những trận mưa đá, Người ngửa mặt lên và kêu: “Tôi thấy Thiên đàng mở ra”, rồi Người mỉm cười. [71] Trong lúc thấy trăm nghìn sự đau khổ đổ trên người Bạn, Bạn hãy nhìn lên Thiên đàng và hãy tự bảo mình: Trên Thiên đàng, tôi không còn gặp những cái làm tôi sợ hãi, đau khổ nữa. Lời ấy cũng sẽ tăng sức mạnh cho Bạn và Bạn cũng sẽ mỉm cười được như thánh Tê-pha-nô. Trên Thiên đàng, Bạn không còn đau khổ nữa, nhưng đã hết chưa? Ta sẽ được thấy lâu đài Chúa, và nó đẹp chừng nào! Chúng ta hãy ngắm một nắm bụi, mà ta gọi là quang chất. Nó có những tính cách rất lạ lùng… ta đã thấy những tấm kính ba mặt, nhìn qua, ta sẽ thấy màu sắc của ánh sáng mặt trời… Ta đã thấy đôi cánh của con cánh quýt, một con sâu nhỏ, nhưng Chúa đã mặc cho nó một bộ cánh với những màu sắc rất xinh đẹp… Đã thế, thì Chúa có thể tạo một ngôi nhà, một cung điện còn đẹp đẽ lộng lẫy, xứng đáng với con cái Chúa đến chừng nào nữa! Chúng ta được thấy con cái Chúa, tức là triệu triệu các thánh, ngự trên những ngai tòa sáng láng hơn mặt trời, và không cái nào giống cái nào. Ta sẽ thấy triệu triệu Thiên thần, không đấng nào giống đấng nào. Tại La Mã cổ, những nhà được người ta tìm thuê hơn cả, là những nhà mà chung quanh là những người lân bang tử tế. Những nhà muốn bán mà có treo cái biển “lân bang tử tế”, thì dù là những căn nhà tầm thường, cũng được người ta ham mua. Vậy thì trên Thiên đàng, chúng ta được thân cận với các Đấng thánh thì ta sẽ sung sướng chừng nào! Nhất là ta sẽ có Đức Mẹ, hai tiếng “Đức Mẹ” cũng đủ kích thích lòng ta rồi, và nguyên sắc đẹp của Đức Mẹ cũng đủ làm ta ngây ngất đời đời. Nhưng nhất là chúng ta sẽ thấy Chúa, sẽ được ngắm Nhan Thánh Chúa. Chúa chính là sự đẹp tuyệt đối, tất cả những cái đẹp ở trần gian và Thiên đàng, chỉ là những phản ảnh lờ mờ của cái đẹp vô cùng ấy. Vậy thì mắt ta sẽ được đứng trước một cái đẹp mê hồn chừng nào! Và lòng ta sẽ sung sướng ngây ngất chừng nào nữa! Trên núi Tabo, Thánh Phêrô được thấy ánh sáng ở thân thể Chúa giãi ra trong chốc lát, người đã ngây ngất đến nỗi “quên cả cõi tục”. “Lạy Thầy, ở đây thì tốt lắm, chúng tôi xin làm ba nhà…” [72] làm mà ở luôn trên núi ấy, để ngắm sự xinh đẹp của Chúa… Vậy thì rồi đây chúng ta sẽ được ngắm Chúa, không phải chỉ trong mấy phút, không phải chỉ qua quít ở cái vỏ ngoài, nhưng là đời đời và tận đáy lòng Chúa… khi ta được thấy Chúa nhãn tiền trước mắt, thì ta sung sướng chừng nào! Phải, nếu Chúa không lấy sức mạnh vô cùng của Chúa mà nâng đỡ ta, thì ta sẽ biến tan vì sung sướng. Chúng ta mong được yêu. Chúng ta sẽ yêu mến Chúa. Trước hết, chúng ta sẽ yêu các con cái Chúa: các Thiên thần, các Thánh nam nữ, nhất là những người bà con, thân quyến, bạn hữu của ta lúc còn ở trần gian. Trên Thiên đàng, chúng ta sẽ nhận ra nhau, chúng ta sẽ sống cùng nhau, không còn chia rẽ, không còn biệt ly và sẽ yêu nhau đời đời. Đó là một điều yên ủi lòng ta ngay từ đời này. Chúng ta sẽ yêu mến Đức Mẹ, và được Đức Mẹ yêu. Cái yêu ấy mới là cái yêu thâm thúy sâu xa êm đềm biết chừng nào! Nhất là ta sẽ yêu mến Chúa. Đứng trước vẻ đẹp của Chúa, ta sẽ ngây ngất. Khi ta thấy lòng thương vô hạn của Chúa, lòng yêu đã yêu ta từ đời đời, thì ta sẽ bị chìm đắm trong bể ái, lòng ta sẽ sung sướng chừng nào! Thánh Phanxicô Xaviê chỉ được có một tàn lửa mến của Chúa bắn vào trong tim, mà Người còn phải kêu lên: “Lạy Chúa, thôi, đủ rồi, nếu Chúa cho thêm thì con chết mất”. Vậy thì khi không phải chỉ một tàn lửa mến, nhưng cả lò lửa mến thiêu đốt lòng ta thì ta sẽ kêu lên những lời gì nữa? Nếu Chúa không lấy sức mạnh vô cùng Chúa để giữ ta thì sự vui mừng sẽ giết chết ta. Ở đời nhiều khi đứng trước một vẻ đẹp thiên nhiên, mà người ta còn ngây ngất ngắm không biết mỏi… Huống nữa về sau, khi được chìm ngắm trong những cái đẹp ngoài sức tưởng tượng, thì chúng ta biết lấy lời gì để tả những sự ngây ngất ấy! Sau cùng, ta muốn được hưởng; Ta sẽ hưởng Chúa. Nhiều lần chúng ta đã mơ thấy những cái làm ta mê mẩn sung sướng, ta làm tổng thống, ta được giàu sang, ta được lạc thú… bao lâu còn trong giấc mộng, ta còn thấy hạnh phúc của ta êm đềm trong trẻo… nhưng đùng một cái, ta giật mình dậy, thế là bao nhiêu mộng đẹp đều biến tan… quả đất lại hóa ra chốn lưu đày khóc lóc… Vậy thì chúng ta hãy tưởng tượng hết những cái gì có thể tưởng tượng được, không phải chỉ là một giấc mơ, nó sẽ là những sự thực. Thiên đàng là tự do: ta muốn đi đâu thì đi, ta muốn làm gì thì làm, là vì ta không thể phạm tội được nữa. Thiên đàng là bao nhiêu kho báu của Chúa sẽ là của ta. Thiên đàng là danh vọng: chúng ta sẽ ngồi đồng bàn cùng Chúa. Thiên đàng là mau kíp: ta muốn đi đâu, thì trong nháy mắt đã đến. Thiên đàng là sức mạnh: không còn cái gì là khó ngại, là trở lực. Thiên đàng là hòa thuận: một đại gia đình, tất cả các anh chị em hòa thuận dưới mắt một người cha hiền. Thiên đàng là lạc thú: ta sẽ hưởng hạnh phúc vô cùng và đời đời. Thiên đàng là sức khỏe: không còn bệnh hoạn tật nguyền, không còn biệt ly chết chóc. Thiên đàng là tình yêu: ta sẽ yêu Chúa, yêu Đức Mẹ, yêu các Thánh và được yêu lại. Thiên đàng là an ninh: không còn đạo tặc, trộm cướp, thù địch. Thiên đàng là sự đẹp: khiến ta luôn luôn ngây ngất. Thiên đàng là thông minh: chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa rõ ràng. Thiên đàng là trường thọ: một thứ hạnh phúc hoàn toàn và lâu dài vô tận. Bạn hãy tưởng tượng hết các cái đẹp, cái hay, cái tốt, cái gì Bạn cũng được gặp trên Thiên đàng, và lại chắc được hưởng tất cả những cái ấy cùng một lúc và đời đời. Nhất là ta sẽ được hưởng chính Chúa. Ta sẽ được uống trong suối khoái lạc Thiên Chúa. Hạnh phúc chúng ta không làm chúng ta chán ngán; được thỏa mãn nhưng vẫn muốn được thêm luôn. Hạnh phúc của chúng ta không khi nào có cùng, mỗi phút sung sướng, ta phát lên một câu hỏi, như một người bị đầy: “Cho đến khi nào ?” và cũng như người bị đầy chung thân, chúng ta sẽ nghe đáp lại: “Không khi nào hết!”. Ở đời này, không cái gì bền vững. Bạn còn trẻ trung khỏe mạnh, nhưng ngày mai? Ngày mai, Bạn sẽ đứng tuổi, Bạn sẽ già, rồi bệnh hoạn, rồi chết… Bạn dự một ngày lễ, nhưng ngày mai cuộc đời lại nặng nề trôi, ôm theo những lo nghĩ, những buồn phiền, những đau khổ. Trên Thiên đàng thì không thế, hạnh phúc của Bạn sẽ là hạnh phúc vô cùng vô tận… Lúc nào cũng là lúc bắt đầu, không khi nào hạnh phúc Bạn đã qua một phần tư, một phần mười… Lúc nào cũng mới và cứ mới mãi mãi… Bạn sẽ hưởng luôn, luôn mãi, mãi mãi… Đó chính là Thiên đàng. Bạn hoài nghi chăng? Hoài nghi sao được? Nếu Bạn chết trong khi sạch tội trọng, thì tất cả những cái tôi vừa tả qua đó, sẽ là của riêng Bạn, và Bạn sẽ chiếm giữ mãi cho đến đời đời. Đến đây ta có thể hiểu được cơn ngất trí của Thánh Augustinô. Hôm ấy là ngày 30 tháng 9 năm 421, Thánh nhân quỳ trong phòng vắng và suy về hạnh phúc Thiên đàng. Bỗng một tia sáng Thiên đàng bao phủ lấy Thánh nhân, và một tiếng từ xa vọng lại: “Augustinô làm gì thế? Ông thu biển cả vào bàn tay ông, còn dễ hơn hiểu được một sự vui thú nhỏ nhất trên Thiên đàng”. Thánh nhân hỏi tiếng ấy là ai? Tiếng ấy đáp lại: “Tôi là linh hồn linh mục Giêrônimô, tôi vừa từ giã xác nặng nề của tôi ở thành Bê-lem, bây giờ tôi đã được vào Thiên đàng”. Tiếng nói im bặt. Và Augustinô tự nhiên thấy mình được đưa vào khu vực siêu nhiên ngây ngất. Những cái ngây ngất của Thánh Augustinô, mới chỉ là những giây phút nếm thử phúc lộc Thiên đàng. Khoảng năm 100, thời bách hại của Marc-Aurèle (Mác-ô-ren), hai anh em quý phái Valerien (Va-lê-riêng) và Tiburce (Ti-bút) bị tống ngục vì theo đạo Công giáo. Mắc-xim là một ông quan có trách nhiệm điệu hai anh em ra pháp trường, lúc đến nhà ngục mở cửa, thấy hai anh em đang quỳ gối mắt nhìn lên trời, vẻ mặt bình tĩnh khác thường. Tuổi thanh niên, dòng quý phái, sự trong sạch, tính nhẫn nại của hai người tù đã làm ông ta cảm kích. Ông ta quay ra khóc. Hai anh em liền hỏi: “Sao ông lại khóc?” Ông đáp: “Tôi khóc vì thấy hai anh em trẻ tuổi, giàu sang, quý phái mà phải điệu đi xử”. Hai anh em đáp lại: “Xin ông đừng lầm, chúng tôi có đạo, và những người có đạo, khi từ giã cõi đời, sẽ bước sang kiếp khác, là chỗ không còn chết nữa. -Lời hai ông nói có thật không? Nếu ông hứa theo đạo, thì trong giờ chúng tôi chết, chính mắt ông sẽ thấy những cái chúng tôi nói lúc này”. Mắc-xim hứa. Lúc hai anh em bị chém, ông được thấy linh hồn hai anh em sáng láng… Chính ông, sau cũng được phúc chết vì đạo. Bạn ôi, chúng ta cũng hãy bắt chước ba Thánh Tử đạo ấy mà ước mong Thiên đàng. Ta đã thấy đất này chỉ là chốn đau khổ và tội lỗi, thì dại gì ta còn dính bén vào nó. Thiên đàng là chốn hưởng đầy tình yêu và hạnh phúc, thì sao ta lại không ước mơ ? Bạn còn nhớ truyện Lụt Hồng Thủy. Sau khi nước rút xuống, ông Noê thả một con quạ, gặp những xác chết, thì nó bám chặt vào, mà không còn quay về tàu nữa. Ông Noê cũng thả một con chim bồ câu, nhưng nó không tìm được chỗ đậu, thì lại quay về tàu. Ta đừng làm con quạ, ta hãy làm chim bồ câu, hãy may mau về tàu, là Thiên đàng. Muốn được thế, ta đừng bắt chước con quạ, đừng bám vào những cái phù vân, vào những lạc thú đê hèn… trái lại ta hãy tìm, hãy bám vào những cái vô biên. Tôi thành thật cầu chúc Bạn ngày sau chiếm được Thiên đàng, và xin Bạn cũng thương cầu cho tôi đừng mất Thiên đàng. [68] Bài này viết theo Le Crucifix. của Cha Billet, C.Ss.R. và Vivre của ARAMI.
|